BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY - MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT CỔ TRUYỀN DÂN TỘC
Những món ăn truyền thống trong dịp Tết cổ truyền không chỉ mang hương vị thơm ngon mà còn đa dạng về màu sắc và hình thức trình bày với những ý nghĩa về niềm tin đối với một năm mới sung túc, đủ đầy. Được xem là linh hồn của những ngày Tết, bánh Chưng, bánh Giầy từ lâu đã trở thành món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc ta.
Những chiếc bánh Chưng, bánh Giầy vuông tròn không chỉ đơn thuần là một món ăn mà nó còn mang trong mình một nét đẹp truyền thống của dân tộc, cùng với đó là những ý nghĩa sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh trong tâm thức của người Việt.
Truyền thuyết kể rằng, bánh Chưng, bánh Giầy xuất hiện từ thời Hùng Vương thứ 6 khi vua muốn truyền ngôi cho con nhưng không biết truyền cho ai là xứng đáng, nhân dịp đầu xuân, vua mới hội các con mà bảo rằng: ”Ai tìm được thức ngon lành để bày cỗ dâng cúng tổ tiên có ý nghĩa hay thì ta truyền ngôi cho".
Các con trai đua nhau kiếm của con vật lạ, hy vọng được làm vua. Lang Liêu, người con trai thứ mười tám của Vua Hùng tính tình thuần hậu, chí hiếu, song vì mẹ mất sớm, không có ai chỉ dẫn cho nên rất lo lắng không biết làm sao, bỗng một hôm chàng nằm mơ thấy một vị thần mách bảo rằng: “Vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng trưng cho đấng sinh thành”.
Lang Liêu tỉnh dậy mừng rỡ làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp, đậu xanh thật tốt, thịt lợn (heo) ba rọi dày thật tươi. Đến hẹn, các lang (con vua) đều đem cỗ tới, đủ cả sơn hào hải vị. Riêng Lang Liêu chỉ có bánh Chưng và bánh Giầy. Vua lấy làm lạ hỏi, chàng đem giấc mộng của mình tâu lên. Vua nếm bánh, thấy ngon, lại khen có ý nghĩa hay, bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, tức đời vua Hùng Vương thứ 7.
Từ đó, cứ đến Tết Nguyên Đán hay các đám cưới, thờ cúng, lễ hội... dân gian bắt chước làm bánh Chưng, bánh Giầy, sau đã thành tục lệ để cúng Tổ tiên, cúng Trời Đất và được duy trì đến ngày hôm nay.
Theo truyền thuyết, bánh Chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng đất và khí âm. Bánh Dầy hình tròn, màu trắng, tượng trưng Trời và khí dương, thể hiện triết lý Âm Dương, Dịch, Biện chứng Đông Phương nói chung và triết lý Vuông Tròn trong văn hóa người Việt nói riêng.
Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, bánh Chưng, bánh Giầy còn mang trong mình cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước xa xưa của dân tộc. Bên ngoài được gói bằng lá dong tự nhiên, bên trong được làm bằng các nguyên liệu quen thuộc lấy từ hoạt động sản xuất nông nghiệp hằng ngày như: gạo nếp, đậu xanh, hành, thịt lợn ...
Bánh Chưng, bánh Giầy cũng thể hiện được lòng hiếu thảo của con cái đối đấng sinh thành, vì vậy phong tục dùng bánh Chưng, bánh Giầy làm quà biếu cha mẹ cũng bắt nguồn từ đây. Hình ảnh một gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền thật đẹp và ý nghĩa.
Chính vì vậy, bánh Chưng và bánh Giầy đã xuất hiện trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc từ rất lâu và đã trở thành nét văn hóa độc đáo không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Dù hơn một năm trôi qua với bộn bề công việc lo toang thì khi Tết đến mỗi người Việt Nam lại tụ họp về bên gia đình bên cạnh nồi bánh Chưng xanh, thật ấm cúng và bình dị.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhật Qui
--------------------------------------------