ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM
Đường sắt Việt Nam là một trong những ngành công nghiệp lâu đời. Ra đời năm 1881 bằng việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho dài khoảng 70 km. Những năm sau, mạng lưới đường sắt được triển khai xây dựng trên khắp lãnh thổ Việt Nam theo công nghệ đường sắt của Pháp với khổ đường ray 1m. Trong thời kỳ chiến tranh, hệ thống đường sắt bị hư hại nặng nề. Và được chính phủ tiến hành khôi phục lại từ năm 1986.
Sau khi chuyển đổi cơ cấu, chuyển sang cơ chế thị trường, Đường sắt Việt Nam bắt đầu vào công cuộc hiện đại hoá Đường sắt. Với mục đích để Ngành Đường sắt trở thành một ngành vận tải hàng đầu, đóng góp vào sự tăng truởng kinh tế của đất nước, hoà nhập với thị trường ngành đường sắt trong khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mạng lưới đường hiện nay có tổng chiều dài 4.161km, với 2.651km đường chính tuyến. Gồm 5 tuyến đường sắt chính nối liền 34 tỉnh thành:
+ Hà Nội - TP HCM; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Lào Cai; Hà Nội - Đồng Đăng; Hà Nội - Quán Triều (TP Thái Nguyên).
+ Kép (Bắc Giang) - Uông Bí - Hạ Long (Quảng Ninh).
+ Kép (Bắc Giang) - Lưu Xá (Thái Nguyên).
+ Đường sắt Việt Nam còn nối liền với đường sắt Trung Quốc qua hai hướng: Vân Nam (Trung Quốc) qua tỉnh Lào Cai và Quảng Tây (Trung Quốc) qua tỉnh Lạng Sơn.
Đường sắt Việt Nam với hệ thống 260 nhà ga trên tuyến phần lớn quy mô nhỏ, hạ tầng cũ, chiều dài đường ga ngắn, chỉ đạt từ 350 – 400m. Hệ thống thông tin tín hiệu các tuyến không đồng bộ về công nghệ, kỹ thuật. Gần 300 đầu máy đang hoạt động với 90% tuổi đời từ 30 năm trở lên. Toa xe khách và xe hàng của đường sắt cũng được khai thác nhiều năm với nhiều chủng loại.
Những năm gần đây, ngành đường sắt đã tập trung tìm cách vượt qua khó khăn. Theo Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành VNR Đặng Sỹ Mạnh, thời gian tới, ngành đường sắt sẽ khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng hiện có, đa dạng hóa dải vé, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.Về vận tải hành khách, tập trung các tuyến có lợi thế và cự ly trung bình như Hà Nội-Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang để có thể cạnh tranh với phân khúc vận tải khác. Đường sắt sẽ ưu tiên đầu tư tàu tốt, bố trí giờ đẹp đối với tuyến này để chú trọng vào hành khách đi du lịch, đồng thời bán vé ôtô kết nối từ đường sắt đến điểm du lịch…
Tìm cách liên kết với ngành hàng không nhằm đào tạo đội ngũ tiếp viên đường sắt theo tiêu chuẩn hàng không… Ngoài ra, ngành đường sắt sẽ phối hợp với nhiều đơn vị ngoài ngành đóng mới nhiều toa xe hiện đại với vật liệu nhẹ, bền và đạt độ thẩm mỹ cao. Cùng đó, đường sắt cũng đặt trọng tâm vào tái cơ cấu quản trị, bao gồm phần mềm bán vé, hàng hóa, theo dõi kết cấu hạ tầng; tái cơ cấu khoa học, công nghệ…
Đặc biệt, chú trọng phát triển nguồn nhân lực công nghệ đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt điện khí hóa; xây dựng chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Rà soát, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo… Bên cạnh đó, huy động nguồn vốn đầu tư, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện đại và hoàn thiện hơn.
Chịu trách nhiệm nội dung: Thượng Xán
--------------------------------------------