Dù đã qua bao đổi thay của phố thị nhưng có 1 làng quê trải dài ven sông Tam Kỳ vẫn giữ nguyên vẻ xưa cũ và đầy thơ mộng. Đó là làng Hương Trà xưa thuộc phường Hòa Hương. Nơi đây vừa có những giá trị văn hóa lịch sử vừa gìn giữ được những cảnh đẹp thiên nhiên. Với những giá trị này làng Hương Trà đang trở thành điểm du lịch đặc biệt của Tam Kỳ.
Quá trình hình thành và phát triển đã phân định địa vực làng quê Hương Trà với những nét đặc trưng của ngôi làng Việt Nam, bao gồm con đường làng nối liền đầu thôn về cuối ấp, lũy tre làng, dòng sông quê bao quanh đồng làng cho phù sa ngọt mặn với những mùa vàng trắng cánh cò bay, cây đa, bến nước, sân đình … tất cả đã làm nên dáng vẻ Hương Trà bao đời giữ mãi được những giá trị văn hóa làng quê.
Nằm trên một khoảng đất rộng hướng mặt ra sông Tam Kỳ, đình làng Hương Trà tính từ năm lập làng 1767 theo sắc phong nhà cụ ông Trần Văn Truyền đến nay đã trên 250 năm. Theo các tư liệu lịch sử thì đình Hương Trà xưa tọa lạc trên khu đất rộng 3 mẫu, gồm tiền đường, hậu tẩm, tả hữu văn miếu, nhà trù, cổng tam quan. Trong đình hiện nay còn giữ được một bức tượng Quan Công, hai phiến đá lớn tạo hình voi mỗi con nặng từ 700 đến 800 kg. Có nhiều liễn đối, hoành phi, đồ thờ phượng quý khác nhưng qua thời gian và chiến tranh đã bị thất lạc hư hỏng. Khuôn viên đình Hương Trà rộng lớn, thâm nghiêm, hàng sưa cổ thụ trước sân đình tỏa bóng cả vùng rộng lớn, tán sưa tầng tầng lơp lớp như mái nhà khổng lồ che mát sang cả bờ sông.
Vùng đất Hương Trà cũng có những di tích độc đáo mà người xưa để lại kèm theo những giai thoại mang đậm màu sắc tâm linh. Trong đó có một ngôi mộ cổ mà người dân từ xưa đến nay thường gọi là mộ Giày hay mộ thầy Lánh, hiện còn ở khối phố Hương Trà Tây. Với diện tích khoảng trên 10m2, ngôi mộ được xây dựng theo một lối kiến trúc cổ xưa. Các hoa văn không cầu kỳ, phức tạp mà chỉ đơn giản với một vài nét chạm trỗ trên đá. Tuy vậy, với những Hán tự được khắc trên các tấm bia cùng với màu rêu phủ trên các tường gạch cũ theo thời gian, ngôi mộ này có gốc tích từ một ông thầy tên Lánh. Thầy có phép thuật cao siêu, giúp đỡ dân lành làm ăn, dạy họ công đức, chống lại sự áp bức của bọn cường hào ức bá. Đến khi bị triều đình truy bắt, ông cưỡi rồng bay về phương Nam và đã đánh rơi một chiếc giày xuống giữa làng Hương Trà. Để tưởng nhớ người anh hùng đã bao lần cứu khốn phò nguy, dân làng đã xây một ngôi mộ cho chiếc giày của ông và có tên là Mộ Giày. Ngày nay mộ đã được con cháu đời sau của thầy Lánh sửa sang, trở thành nơi tôn nghiêm và điểm văn hóa lịch sử ý nghĩa của nhân dân nơi đây.
Trong thời gian gần đây, UBND TP.Tam Kỳ và phường Hòa Hương đã thường xuyên tổ chức các đợt triển lãm ảnh, đêm ngâm thơ, văn nghệ vào đúng dịp mùa hoa sưa nở, tạo nên một điểm đến du lịch hấp dẫn, mới lạ. Mới đây, thành phố cũng đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phát triển làng sinh thái Hương Trà để giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa làng quê, thiên nhiên nơi đây. Đặc biệt, tất cả các cây sưa cổ thụ sẽ được giữ lại, gắn với các mùa lễ hội, hình thành điểm văn hóa đặc trưng, phát triển du lịch, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Trong sự phát triển và hình thành của vùng đất Hương Trà xưa, người dân nơi đây đã đóng góp một phần không nhỏ để giữ lại những nét văn hóa xưa cũ, những giá trị thiên nhiên độc đáo. Trên chặng đường mới, mỗi người dân lại đóng vai trò trở thành một sứ giả văn hóa, một đại sứ du lịch để cùng chính quyền địa phương phát triển vùng đất này sống mãi với câu ca “Hương ba vĩnh bảo quang thiên cổ/ Trà cẩm trường tồn kỷ vạn niên”.
Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa - Thể Thao - Truyền Thông TP.Tam Kỳ