KHÁM PHÁ ĐẶC SẢN TIỀN GIANG
- Xã Tân Phong (thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) là một cù lao do phù sa bồi đắp, nằm về phía hữu ngạn của chợ nổi Cái Bè, được bao quanh bốn bề sông nước. Không ai biết rõ cù lao Tân Phong có mặt từ bao giờ nhưng đây là một vùng đất rất nổi tiếng với đặc sản ốc gạo. Ốc gạo sinh sản trên nhiều lưu vực sông Cồn Bầu, Cồn Tre, Cồn Tròn, Ba Rái… Đặc biệt, ốc gạo ở Cồn Tre là ngon nhất. Ốc gạo Cồn Tre có con to, vỏ màu xanh ngọc, ruột đầy, chắc thịt, luộc lên thơm ngon, hấp dẫn nhiều thực khách. Người dân địa phương trong vùng thường truyền miệng câu ca: “Ốc Cồn Tre hai người đè, một người lê” để miêu tả hết điểm đặc biệt của loại ốc này.
- Tên gọi ốc Gạo là vì vỏ ốc màu trắng xanh xoáy tròn, khi nấu chín dưới phần yếm lồi ra một hạt mỡ trắng như hạt gạo nên gọi là ốc gạo. Cũng có nhiều người cho rằng từ thuở xa, người dân ở Cồn Tre, thuộc xã Tân Phong đói nghèo, lam lũ. Ông trời thương tình mới ban thưởng cho một loài ốc ngon để giúp người dân địa phương khai thác rồi đem bán lấy tiền đổi gạo. Từ đó, con ốc này mới có tên là ốc gạo. Đây chỉ là một truyền thuyết do người dân trong vùng truyền tai nhau lại, nguồn gốc thực sự vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu.Muốn có được một rổ ốc gạo, người ta phải bơi xuồng ra đến giữa dòng sông, cắm sào, một tay bám sào lặn xuống đáy sông, một tay cào hoăc quơ quào hốt bắt ốc. Thông thường, ốc gạo Tân Phong sinh sản vào vào tháng bảy năm trước và trưởng thành từ tháng ba đến tháng tư năm sau. Đến đầu tháng năm âm lịch, con gốc gạo đã trưởng thành, sung mãn, mập mạp giúp cho thịt ốc vừa ngon vừa bổ. Vào mùa ốc gạo, lưu vực Tân Phong, xuồng ghe tấp nập ra vào, hàng trăm chiếc giăng mắc đan xen nhau náo nhiệt cả một vùng. Kết quả của những ngày bắt ốc khó nhọc cho ra những đĩa ốc gạo thơm ngon.
- Công đoạn bắt ốc đã khó khăn và để chế biến ra món ốc gạo ngon cũng kỹ lưỡng không kém. Thông thường, ốc gạo bắt về cho vào rổ, đặt vào thau nước cách đáy thau khoảng vài phân, ngắm chừng từ 5 đến 10 phút xốc rổ một đợt cho ốc nhả sạch cát. Sau đó cho ốc gạo vào nồi với ít nước để ốc không bị cháy, cho lửa lớn rồi luộc, ốc vừa chín thì đổ ra rổ lại. Nước chấm dùng cho món ốc này phải là nước mắm chanh ớt thêm chút gừng thì ăn mới đúng điệu. Ốc gạo luộc chín, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt giòn, ăn không thấy ngán. Từ con ốc gạo, qua bàn tay khéo léo của nhiều đầu bếp còn chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như ốc gạo xào tỏi ớt, gỏi ốc trộn bưởi và cơm dừa, ốc gạo cháy tỏi, gốc gạo tiềm thuốc Bắc, ốc gạo cuốn bánh tráng, ốc gạo luộc lá ổi, ốc gạo chiên bơ, bánh xèo ốc gạo… Dù được chế biến theo cách nào thì ốc gạo cũng ngon, giòn, mùi vị thơm lừng, hấp dẫn nhiều thực khách.
- Được một lần nếm thử ốc gạo Tân Phong hẳn du khách sẽ khó quên được mùi vị. Ốc gạo Tân Phong tuy quê mùa mộc mạc nhưng lại là một món ăn đầy ắp tình quê. Với những người xa xứ, khi có dịp bắt gặp đâu đó nồi ốc gạo đều nhớ đến mùi vị thơm ngon, nức tiếng ở quê nhà. Nhiều du khách đi có hành trình về Tiền Giang vẫn không quên ghé thử ốc gạo Tân Phong để cảm nhận vị ngon, ngọt, béo bùi của thứ đặc sản miền Tây nổi tiếng gần xa.
Nguồn: Tadiha
Chịu trách nhiệm nội dung: Thượng Xán
Cập nhật ngày 25/09/2021
--------------------------------------------
Du Lịch Công Đoàn Giáo Dục Tp.HCM - Du Lịch Hữu Nghị
Hotline: 0968.217.783 - 0938.989.155
P.Điều Hành: 028.6265.0624 - 028.6265.3235
P.Kinh Doanh - Tiếp Thị & HDV: 028.2240.5079
Email: dulich.congdoan@yahoo.com
Website: dulichcongdoangiaoductphcm.com