Là di sản chung của 9 tỉnh Trung Bộ từ Quảng Bình đến Ninh Thuận, nhưng Bình Định vẫn được xem là cái nôi của nghệ thuật bài chòi. Theo dân gian, bài chòi xuất hiện vào cuối TK 16 - đầu TK 17. Để canh giữ nương rẫy cũng như đời sống do bị các thú dữ phá hoại, người dân đã cho dựng các chòi cao ở ven rừng và cho một thanh niên canh gác mỗi chòi. Để tiện liên lạc khi có thú rừng xuất hiện, các chòi sẽ tạo ra các âm thanh, đánh trống, hô to …Và để đỡ buồn chán, họ đã cất lên những câu hò, câu hát để liên lạc. Sau đó còn sáng tạo nên hát – hò đối đáp và chơi bài, bắt nguồn cho nghệ thuật bài chòi sau này.
Bài chòi thường được tổ chức ở những khoảng đất rộng hay sân đình, nơi mà mọi người thuận lợi đi hội chợ …Và để dễ dựng lên 9 hoặc 11 chòi bằng tre, lợp tranh, xếp theo hình chữ U, chòi ở đáy gọi là chòi Cái. Có người sẽ dẫn dắt cuộc chơi, người này sẽ rút con bài trong ống bài và hát những câu hát liên quan đến con bài đó, gọi là Hô Thai. Những người chơi sẽ ngồi trên chòi tre, mua 3 con bài và đợi. Nếu trùng hết 3 con bài mà người Hô Thai hát xướng đầu tiên sẽ là người thắng cuộc. Lượt chơi kết thúc và bắt đầu lượt chơi mới.
Với những đóng góp về nghệ thuật, văn hóa, năm 2014 nghệ thuật Bài Chòi được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Không những vậy, ngày 07/12/2017, bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.