“Phở” Món ăn truyền thống tinh túy ngàn đời
Ẩm thực là chiếc gương soi chân thực cho nền văn hóa của mỗi quốc gia. Người Ý tự hào với bánh pizza, người Hoa tự hào với bánh bao, người Nhật có sushi... Còn Việt Nam, đó chính là phở
- Phở là một món ăn truyền thống của Việt Nam, được cho là bắt nguồn từ Nam Định. Từ cuối thế kỷ 19, khi nhu cầu sử dụng thịt bò của người Pháp ở Việt Nam tăng cao, dẫn tới dư thừa xương bò. Xương sau đó được người Việt sử dụng để hoàn thiện hương vị của nước phở. Có ý kiến lại cho rằng phở ra đời tại Hà Nội, biến tấu từ xáo trâu - một món ăn đơn giản với những lát thịt trâu nấu trong nước dùng với bún gạo - sáng tạo nên một món ăn tinh tế và cân bằng. Thịt trâu dần được thay bằng thịt bò, thêm mì gạo, nêm nếm nước dùng cho đến khi phở Hà Nội ra đời. Đến thập niên 30, những người bán hàng rong gánh phở trở thành hình ảnh quen thuộc trong những con phố cổ Hà Nội.
- Lúc phở xuất hiện ở thập niên đầu của thế kỷ 20, Nho học vẫn đang ngự trị xã hội Việt Nam. Hai học giả Pháp nổi tiếng về Việt Nam học P.Huard và M.Durand đã phân tích chữ phở tiếng Nôm gồm ba chữ Hán ghép lại: a/chữ mễ (lúa), b/chữ ngôn (lời nói), c/chữ phổ (phổ biến). Từ phở hiểu nôm là món ăn chế biến từ lúa gạo phổ biến trong đại chúng và phát âm là "phổ". Tiếng rao của các hàng quà rong vốn dĩ nghe rất du dương có vần, có điệu, đôi khi còn luyến láy như hát biến âm đủ thanh sắc rót vào tai người nghe. Tiếng rao món phở âm Nôm: "phố đây, phố ơ!"... rồi "phớ ơ!" lái âm, tam sao thất bản thành tên "phở"! Đây là giả thuyết lý giải sâu sắc, logic và hợp lý nhất.
- Thành phần chính của phở là bánh phở và nước dùng (hay nước lèo theo cách gọi miền Nam) cùng với thịt bò hoặc thịt gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt... Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của người dùng. Ngoài ra để cho phở thật thơm ngon, các nguyên liệu phải tươi và cách định lượng gia vị phải vừa đủ, đặc biệt là phải có ngũ vị hương (Quế, Hồi, Đinh Hương, Thảo Quả, Hạt Mùi). Phở là món ăn tổ hợp của các chất vị. Trong bát phở có chứa 18-20 loại thực phẩm gốc động vật và thực vật tự nhiên. Điều đặc biệt nhất ở phở là các nguyên liệu đó được sử dụng gần như ở trạng thái nguyên thủy và tự phối hợp với nhau hài hòa để tạo nên một hương vị đặc trưng rất lạ lẫm, ngon miệng, dễ tiêu hóa.
- Ngày nay phở được biến tấu thành nhiều loại phở với nhiều cách dùng khác nhau, tạo nên sự đa dạng và thú vị khi thưởng thức. Đặc biệt, phở ở mỗi vùng Bắc – Trung – Nam đều mang hương vị và những nét văn hóa riêng biệt của từng vùng.
- Danh từ phở được chính thức ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (1930) do Hội Khai trí Tiến Đức Hà Nội khởi thảo. Đến tháng 9/2007, với những đặc trưng riêng biệt, phở và bánh mì Việt Nam đã được đưa vào từ điển Oxford, ghi nhận là danh từ riêng – trở thành “đại sứ danh dự” cho văn hóa ẩm thực Việt Nam, du ngoạn và đánh dấu lãnh thổ của ẩm thực Việt Nam trên khắp thế giới.
Chịu trách nhiệm nội dung: Thượng Xán
Cập nhật ngày 12/12/2021
--------------------------------------------
Du Lịch Công Đoàn Giáo Dục Tp.HCM - Du Lịch Hữu Nghị
Hotline: 0968.217.783 - 0938.989.155
P.Điều Hành: 028.6265.0624 - 028.6265.3235
P.Kinh Doanh - Tiếp Thị & HDV: 028.2240.5079
Email: dulich.congdoan@yahoo.com
Website: dulichcongdoangiaoductphcm.com