KHÁM PHÁ THÀNH PHỐ QUY NHƠN
Trong những năm gần đây, Quy Nhơn không phải ngẫu nhiên mà nổi lên như một hiện tượng, là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Vào một ngày nắng đẹp, gác lại bao bộn bề, hãy cùng tôi dạo bước khám phá một vòng thành phố này nhé!
Điều đầu tiên níu giữ chân du khách là bãi biển uốn cong hình vầng trăng khuyết với bãi cát vàng thoai thoải trải dài 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng - Tiên Sa, cùng một bên là núi ôm trọn lấy thành phố tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình hiếm nơi nào có được.
Một góc phố biển Quy Nhơn.
Vượt cầu Thị Nại, Bán đảo Phương Mai hiện ra với hệ thống núi đá xen kẽ những đồi cát chạy dài, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ cùng biển cả trong xanh bao la, ngập tràn gió lộng. Đến đây, du khách sẽ có dịp thăm thú nhiều thắng cảnh đẹp, trải nghiệm các sản phẩm du lịch biển hấp dẫn tại Eo gió, Kỳ Co, Hòn Khô và nhiều đảo gần bờ khác.
Kỳ Co - biển xanh, cát trắng, nắng vàng.
Nằm ở trung tâm thành phố, Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành cũng là một địa điểm check-in độc đáo khi du khách đến Quy Nhơn. Đặc biệt, phía sau tượng đài là bức phù điêu lớn ghi tả khái quát bối cảnh Việt Nam đầu thế kỷ XX bị thực dân Pháp xâm lược, khắc họa hình ảnh hành trình từ nơi Bác Hồ sinh ra đến những chặng dừng chân của Người trên đường vào Nam, trong đó có những ngày tháng Bác sống, học tập tại Quy Nhơn, lên thăm cha ở Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn) và cuộc chia tay lịch sử đầy ý nghĩa của Nguyễn Tất Thành với cha trước khi lên đường thực hiện hoài bão cứu dân, cứu nước.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành.
Một chút hoài niệm, du khách dừng chân ghé thăm Tháp Đôi hay còn có tên là Tháp Hưng Thạnh, di tích Chămpa có niên đại cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13, cụm tháp cổ còn khá nguyên vẹn tọa lạc trong lòng thành phố. Đây là tác phẩm kiến trúc, điêu khắc có giá trị cả về lịch sử lẫn kỹ thuật và mỹ thuật mà đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được giải mã hết, cũng là minh chứng một thời vàng son rực rỡ của vương quốc Chămpa trong 5 thế kỷ đóng đô trên đất Bình Định.
Tháp Đôi tọa lạc trong lòng thành phố.
Cách Trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 7km về phía Nam, trên tuyến đường quốc lộ 1D đoạn Quy Nhơn - Sông Cầu, du khách rẽ trái vào Đại lộ khoa học dẫn đến Thung lũng Sáng tạo Quy Nhơn (ICISE). Hằng năm, nơi đây diễn ra nhiều hội nghị, hội thảo chuyên ngành mang tầm cỡ khu vực và quốc tế với sự tham gia của nhiều giáo sư, nhà khoa học đầu ngành nổi tiếng. ICISE không chỉ có không gian xinh đẹp, thơ mộng cạnh bên biển trời Quy Hòa xanh ngắt, bờ cát vàng trải dài tít tắp bên rừng dương vui hát quanh năm; mà nơi đây còn đặc biệt bởi có Tổ hợp Không gian khoa học gồm: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học và Đài thiên văn phổ thông là không gian khám phá khoa học hấp dẫn, khơi nguồn đam mê, sáng tạo của tuổi trẻ, đưa Quy Nhơn thành điểm đến của khoa học và giáo dục đặc trưng, có một không hai ở Việt Nam.
Một góc Nhà mô hình vũ trụ .
Và dường như tất cả tinh hoa của đất trời, thiên nhiên lẫn nét văn hóa độc đáo ấy đã thổi hồn vào từng món ăn tạo nên hương vị ẩm thực rất riêng, rất Bình Định như: hương vị cay nồng của Rượu Bàu Đá, chua chua của nem tré chợ Huyện, ngọt thanh của bánh Ít lá gai… Không chỉ thế, Quy Nhơn - Bình Định còn nổi tiếng có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loại hải sản tươi, ngon khiến du khách khó mà từ chối thưởng thức và cảm thán.
Đặc sản Bánh xèo tôm nhảy.
Nếu ban ngày, phố biển Quy Nhơn được ví von như vẻ tinh khôi, đằm thắm của nàng thiếu nữ xinh đẹp duyên dáng bên bờ biển xanh, thì đêm đến nàng khoác lên mình bộ xiêm y lộng lẫy, nhiều màu sắc, giống như nhịp sống nơi đây vẫn đang từng ngày thay đổi, nhưng không quá khoa trương, ồn ào mà yên bình, hiền hòa đến lạ.
Thành phố Quy Nhơn về đêm.
Chịu trách nhiệm nội dung: Yến Nhi
--------------------------------------------