LẠP XƯỞNG - MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT
Bên cạnh các món ăn truyền thống ngày tết như: bánh Chưng, bánh Tét, thịt kho hột vịt, dưa kiệu… thì lạp xưởng (còn gọi là lạp sườn) cũng là một món ăn quen thuộc không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng.
- Lạp xưởng có nguồn gốc xuất xứ từ người Hoa di dân sang nước ta định cư nhưng về sau đã được người Việt ta tiếp biến và trở thành món ăn truyền thống trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
- Lạp xưởng có nguyên liệu chính là thịt heo có cả mỡ lẫn nạc được xay nhuyễn. Sau đó người ta sẽ ướp thịt cùng với rất nhiều gia vị khác nhau như là: tiêu, muối, tỏi, rượu, gia vị ướp xá xíu… tùy theo khẩu vị gia đình hay vùng miền.
- Sau công đoạn ướp gia vị, người ta sẽ nhồi thịt vào trong ruột (lòng) heo đã được sơ chế và làm sạch. Lấy dây để buộc, chia thành từng đoạn vừa ăn. Cuối cùng, người ta đem phơi nắng cho lạp xưởng lên men tự nhiên và khô nước lại. Bạn có thể dễ dàng hình dung lạp xưởng giống như là xúc xích của người Á Đông vậy.
- Lý do lạp xưởng luôn có mặt trong mâm lễ ngày tết là vì lạp xưởng không chỉ đơn thuần là một món ăn ngon mà còn mang những ý nghĩa đặc biệt:
+ Lạp xưởng mang màu đỏ hồng tươi. Theo quan niệm Á Đông, màu đỏ là màu tượng trưng cho sự may mắn. Vì thế, không có gì lạ khi trên mâm cỗ Tết Việt không thể nào thiếu được sắc đỏ, trong đó có sắc đỏ hồng tươi của lạp xưởng với ý nghĩa "ăn để được may mắn”. Ngoài ra, lạp xưởng hay được xếp thành xâu, giống với hình ảnh xâu tiền bao đỏ, mang lại tài lộc, phú quý cho năm mới.
+ Lạp xưởng tuy là món ăn ngon phổ biến nhưng cũng rất bình dân, nên nhà nào cũng có. Sự quen thuộc của chúng chính là một biểu tượng gợi nhớ về sự đoàn tụ, gia đình bên nhau quây quần, cùng nhâm nhi món lạp xưởng trong những ngày tết sum họp.
- Với hương vị thơm ngon và những ý nghĩa sâu sắc, lạp xưởng từ lâu đã trở thành một món ăn truyền thống không thể vắng bóng trong mâm cơm ngày Tết của dân tộc ta.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhật Qui
--------------------------------------------