LỄ HỘI CHÙA TÂY PHƯƠNG
Chùa Tây Phương Hà Nội Là một điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách thập phương ghé tới hành hương, chùa Tây Phương nổi bật với những công trình kiến trúc cùng những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo.
Còn được biết đến với tên gọi khác là Tây Phương Cổ Tự, chùa Tây Phương được biết đến là ngôi chùa cổ thứ 2 ở Việt Nam (sau chùa Dâu Bắc Ninh). Vì vậy, vào năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Theo truyền thuyết, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với quá trình truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Sau vài thế kỷ, câu chuyện lại ra đời của chùa gắn với nhân vật Cao Biền – Tiết độ sứ thời nhà Đường (864 – 868) đã từng cai trị An Nam và đến đây xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với ý đồ chặn long mạch xứ này.
Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn là truyền thuyết, còn chứng tích vật chất liên quan tới ngôi chùa, đó là thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561) đã xây dựng quy mô như hiện nay. Sau đó, Vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông có tu sửa thêm, nhưng không nhiều.
Chùa gồm các hạng mục: Tam quan thượng, tam quan hạ, miếu sơn thần, tiền đường, nhà tổ, nhà mẫu và nhà khách. Chùa được xây dựng với kết cấu kiến trúc mặt bằng kiểu chữ Tam với 3 tòa (Tiền đường, trung đường và thượng điện) nằm song song. Kiến trúc chùa Tây Phương điển hình cho kiến trúc các ngôi chùa Bắc bộ với kết cấu kiểu chồng diêm, 2 tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài, các mái đao cong vút, trên có gắn tứ linh.
Nơi đây còn tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo gồm: chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long đều có chạm trổ hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng rất tinh xảo, được tạo ra dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc trong vùng.
Hệ thống tượng Phật của chùa Tây Phương là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Mỗi pho tượng là một tác phẩm riêng biệt, vừa hiện thực, vừa giàu tính nghệ thuật. Chùa Tây Phương được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và bộ tượng Phật giáo thời Tây Sơn tại chùa được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Lễ hội chùa Tây Phương được diễn ra vào ngày 6/3 âm lịch và kéo dài đến ngày 10/3 âm lịch với nhiều hoạt động lễ hội thu hút du khách. Về dự lễ hội chùa Tây Phương năm nay, du khách không những được thưởng ngoạn cảnh quan chùa, mà còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc như hát chèo, hát quan họ, biểu diễn trống hội, múa rối nước, cùng nhiều trò chơi dân gian khác.
Chịu trách nhiệm nội dung: Thượng Xán
--------------------------------------------