MỘT NGÀY Ở TRI TÔN
Tri Tôn là một huyện miền núi có diện tích lớn nhất và dân cư thưa thớt nhất tỉnh An Giang, có lẽ vì vậy mà cảnh đẹp nơi đây vẫn giữ nét hoang sơ, vắng vẻ.
Tri Tôn có nhiều điểm du lịch ngắm cảnh non nước thơ mộng, thanh bình với những cái tên rất lạ tai như Tà Pạ, Xà Tón, Tức Dụp, hồ Soài So… và những điểm du lịch tâm linh chùa tháp của người Khơ Me, rừng tràm… Cảnh đẹp của Tri Tôn với không gian kỳ bí, mê hoặc lòng người với cánh đồng lúa bát ngát mênh mông.
Nếu bạn là người yêu thích chụp ảnh và muốn ghi lại những khoảnh đẹp nhất của mình thì khi đến với Tri Tôn bạn đừng bỏ qua những địa điểm nổi tiếng sau đây nhé. Chắc chắn rằng Tri Tôn sẽ thỏa mãn đam mê và để lại cho bạn những ấn tượng tuyệt vời nhất.
Hồ, núi Tà Pạ
Một trong những địa điểm mà khách du lịch hay lựa chọn đến nhất chính là Tà Pạ. Chỉ riêng vùng đất này đã chứa đựng biết bao nhiêu cảnh đẹp nổi tiếng, thu hút du khách ở khắp mọi nơi đến nghỉ dưỡng, tham quan.
Hồ Tà Pạ, hồ nước được tạo nên do người dân khai thác đá. Mặc dù nhân tạo nhưng vẻ đẹp của hồ thì không ai có thể phủ nhận. Hồ nước trong vắt được bao bọc bởi những hàng cây, núi đá. Ngày nắng trong dưới nền trời xanh rọi xuống mặt hồ tạo nên khung cảnh đẹp lung linh.
Mặt hồ bằng lặng, khung cảnh hoang sơ được ví như “Tuyệt tình Cốc” của miền Tây. Là địa điểm du lịch Tri Tôn mà khó ai có thể bỏ lỡ, chỉ cần đứng vào một góc nào đó là có ngay những tấm hình với thiên nhiên tuyệt đẹp.
Bên cạnh hồ nước thì quanh cảnh của núi Tà Pạ cũng khiến nhiều người phải mê mẩn. Khung cảnh thanh bình của rừng cây, nổi bật trong đó là ngôi chùa được xây dựng theo kiến trúc của người Khmer tuyệt đẹp. Chùa được xây dựng bằng đá granit với màu vàng chủ đạo, nhìn từ xa cũng có thể thấy rõ. Đến đây ngoài viếng chùa bạn còn được tận hưởng không khí trong lành, thư giãn.
Cây thốt nốt trái tim
Đến An Giang, du khách không khó bắt gặp những hàng thốt nốt trải dài. Thốt nốt là loại cây đặc trưng của vùng bảy núi An Giang, với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ. Huyện Tri Tôn hay huyện Tịnh Biên ở An Giang được coi là xứ sở của loài cây này. Những du khách đã từng một lần đến đây đều thưởng thức loại cây trái ngon này và đều nhớ mãi thứ đặc sản của vùng biên. Hàng thốt nốt tạo thành hình trái tim thuộc địa phận xã An Tức, huyện Tri Tôn, là một trong những điểm check-in được giới trẻ yêu thích khi du lịch An Giang.
Thốt nốt là một loại cây đặc trưng của vùng đất An Giang với hình dáng bên ngoài giống cây dừa và lá cọ. Những du khách đã từng một lần đến đây đều thưởng thức loại cây trái ngon này và đều nhớ mãi thứ đặc sản của vùng biển. Hình ảnh trái tim từ những cây thốt nốt đã khiến cho nhiều người thích thú và có thể đây sẽ là một điểm thu hút khách du lịch về với An Giang trong thời gian tới.
Núi Cô Tô
Nhắc đến địa điểm du lịch ở Tri Tôn chắc hẳn nhiều người sẽ nhắc đến ngay địa điểm núi Cô Tô tuyệt đẹp. Nơi đây nằm cạnh khu vực biên giới với Campuchia, do vậy đứng từ trên núi có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm khung cảnh của cả vùng và nước bạn “hàng xóm”. Buổi sáng sớm hay chiều tà đứng từ trên núi ngắm bình minh và hoàng hôn cũng tuyệt đẹp, khiến bạn phải mê mẩn.
Đứng trước khung cảnh thiên nhiên rộng bao la, bạn sẽ cảm thấy như mình thật nhỏ bé. Góc bình yên ở chữ Tri Tôn được ví như “cổng Trời” bạn cũng nên ghé mỗi khi có dịp đến Tri Tôn. Ở dưới núi bạn còn được khám phá những cánh đồng lúa, cuộc sống, nét văn hóa đặc sắc của người dân Khmer. Nghe kể về những câu chuyện truyền thuyết, sự tích ra đời của ngọn núi cao chót vót này.
Cùng với việc săn mây Dồ Hội trên núi Cô Tô thì một lần được đặt chân lên tảng đá đầu voi cũng là địa điểm du lịch Tri Tôn không thể bỏ lỡ. Đứng ở tảng đá này không chỉ được ngắm nhìn toàn cảnh xung quanh núi từ trên cao. Mà còn được check in với tảng đá hình đầu voi phía sau đầy nghệ thuật và độc đáo. Cùng đám bạn vi vu địa điểm này để chụp những bộ hình ấn tượng.
Hồ Soài So
Từ dãy núi Cô Tô đi về phía Đông, hồ nước này cũng được bình chọn là một trong số địa điểm tham quan hấp dẫn. Khung cảnh nơi đây cũng hoang sơ hấp dẫn không kém với hồ nước trong vắt, xung quanh được bao bọc bởi núi. Khung cảnh thanh tịnh và hùng vĩ là nơi thư giãn và nghỉ ngơi lý tưởng. Đây cũng là nơi cắm trại dã ngoại được các bạn trẻ hay lui tới thường xuyên.
Tiếng suối bạc chảy xuống lòng hồ tạo nên âm thanh sống động. Từng làn gió mơn man tạo nên mặt hồ gợn sóng, chiếc cầu nhỏ dẫn ra giữa lòng hồ cho phép bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh xung quanh. Kế bên hồ còn có những vườn trái cây sai trĩu quả, tha hồ khám phá. Đến địa điểm du lịch Tri Tôn bất cứ thời điểm nào cũng đều tìm được cho mình những khoảnh khắc ấn tượng khó quên.
Đồi Tức Dụp, hồ Ô Tà Sóc
Ngọn đồi này không chỉ là nơi leo núi, khám phá thiên nhiên mà đây còn là địa danh lịch sử quan trọng. Trong những năm chiến tranh, đồi Tức Dụp nhờ địa hình hiểm trở đã trở thành căn cứ ẩn náu và chống giặc của An Giang. Nơi này được ví như Vạn lí trường thành ở miền Tây, đường đi uốn lượn, bên trong đồi có hang động rộng lớn nơi từng là chốn ăn ở, dưỡng thương của bộ đội.
Nằm ngay dưới chân núi Ngọa Long, Ô Tà Sóc cũng là hồ nước nhân tạo nhằm mục đích phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Hồ chứa nước chảy từ trên núi đá xuống nên rất trong và mát mẻ. Khung cảnh rộng lớn được bao trùm bởi một màu xanh mát là địa điểm du lịch ở Tri Tôn rất được lòng du khách. Người dân cũng thường hay ra hồ bơi thuyền thả lưới câu cá hay tắm mát.
Chùa Xà Tón
Chùa có tên Khmer là Xvayton, có lịch sử lâu đời hơn 200 năm là địa điểm du lịch Tri Tôn được nhiều du khách đến tham quan, hành hương. Chùa trước đây chỉ được xây dựng trên nền đất bằng gỗ, ngày nay đã được xây dựng khang trang hơn. Nơi đây lưu giữ những nét văn hóa, kiến trúc chùa tháp đặc sắc. Đặc biệt nhất phải kể đến là những bộ sách kinh khổng lồ được ghi chép trên lá còn được bảo tồn.
Cũng giống như những ngôi chùa Khmer ở Tây Nam Bộ, hình tượng rắn thần Nagar và những ngôi bảo tháp cao vút là hình ảnh đặc trưng nhất. Trong chùa phân ra thành khu chánh điện với tượng Phật trăm tuổi ở trung tâm, phía trước có hồ sen lớn. Ngoài tham quan, hàng năm đến chùa du khách còn được tham gia vào nhiều lễ hội đặc sắc như: lễ Chol Chhnam Thmay, lễ Phật sinh, lễ thanh minh,…
Cổng trời Tri Tôn
Nằm nổi bật giữa cánh đồng với con đường uốn lượn quanh co, giữa bao la bạt ngàn nó được ví như chiếc “cổng Trời” đưa bạn đến với vùng đất Tri Tôn. Cổng được thiết kế với những chi tiết hoa văn đắp nổi tinh xảo, thể hiện rõ nét văn hóa đậm chất Khmer của miền đất nơi đây. Nhìn từ xa cũng vô cùng nổi bật, trở thành địa điểm du lịch ở Tri Tôn được nhiều người yêu thích.
Hồ đá Latina
Hồ Latina là điểm giáp ranh giữa địa phận Tịnh Biên và Tri Tôn, là một hồ nước nhỏ nằm dưới chân núi Cấm với tên gọi quen thuộc là hồ Đá. Hồ Latina thu hút khá nhiều du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, với những vách đá lớn dựng đứng ngay trên bờ hồ.
Giữa một ngọn núi cao ngất rộng lớn, là bờ hồ Latina lặng yên với dòng nước trong vắt in hình cùng những bóng cây và vách đá. Xung quanh bờ hồ là trăm ngàn phiến đá bạc với đủ kích thước và hình thù, du khách có thể ngồi trên phiến đá và thả chân đùa giỡn cùng dòng nước mát rượi.
Nước trong hồ không quá sâu, bạn có thể ngắm nhìn đến tận đáy hồ. Hồ nằm cạnh một con đường món dẫn lên núi Cấm, kế bên là một cánh đồng lúa vàng, xa xa là những bụi cây hoa dại đủ màu sắc và những mỏm đá mấp mô. Thi thoảng có những cơn gió nhẹ ùa qua, rủ theo những ngọn cỏ cây đung đưa như đang nhảy múa. Đến với Latina, du khách như đang được sống lại tuổi thơ bên một bức tranh làng quê thanh bình.
Chùa Hàng Còng
Chùa Hàng Còng hay còn gọi là chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram (tên khác là Krăng Krốch, tọa lạc ấp An Hòa, xã Châu Lăng, Tri Tôn) là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng đến bên trong, có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Đặc trưng này khiến mọi người gần như quên bẵng tên thật của chùa, mà chỉ gọi dân dã, trìu mến là “chùa hàng còng”.
Chùa nằm trên trục đường chính, nhưng nếu lơ đãng một chút, khách phương xa sẽ không tìm thấy. Bởi, cổng chùa phủ đầy rêu phong, sương gió, lẩn khuất giữa dãy nhà dân, không đầy màu sắc nổi bật như những cổng chùa Khmer khác. Nhưng chỉ cần bước qua cổng, một hình ảnh rất đẹp đập vào mắt: đường đi vào chùa trải dài theo hàng cây còng, mà cây nào cũng có hoành to, 2-3 người ôm mới xuể. Các nhánh cây hướng vào nhau, tạo thành mái vòm thiên nhiên, che mát con đường, mang đến cảm giác bình yên đến lạ.
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhật Qui
--------------------------------------------