Ý NGHĨA CÂY NÊU NGÀY TẾT
Từ bao đời nay, hình ảnh cây nêu được xem là một biểu tượng thiêng liêng trong ngày Tết Nguyên Đán ở Việt Nam bởi nó mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với mỗi người dân Việt và trở thành một nét đẹp trong phong tục ngày Tết.
- Theo truyền thuyết kể rằng, thuỡ xa xưa khi vùng đất bị bè phái quỷ dữ cai trị con người chỉ là nô lệ lao động làm ruộng trên đất của Quỷ. Thế nhưng, loài quỷ ngày càng bốc lột, lấn át và ra nhiều luật lệ nhằm triệt đường sống của con người. Đầu tiên lũ quỷ ra luật “ăn ngọn cho gốc” khiến con người khổ sở không có miếng ăn vì bấy giờ chỉ trồng lúa. Con người đến đường cùng bèn khẩn cầu Đức Phật cứu giúp. Phật bảo loài người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, con người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức "ăn ngọn cho gốc".
- Sang mùa khác, loài quỷ lại chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo con người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả loài quỷ lại chẳng ăn được. Loài quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố "ăn cả gốc lẫn ngọn". Lúc này, Phật trao cho con người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Loài quỷ lại không được gì, còn loài người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng, loài quỷ nhất định bắt con người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm ruộng nữa.
- Phật bàn với loài người điều đình với loài quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Loài quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa che phủ toàn bộ đất đai khiến loài quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
- Do mất đất sống nên loài quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên phía quỷ thua sau khi bị loài người tấn công bằng lá dứa, tỏi, vôi bột... Thế là từ đó loài quỷ bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, loài quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật từ bi chấp nhận yêu cầu của Quỷ.
- Do đó, hằng năm, theo phong tục cứ vào dịp Tết Nguyên Đán là những ngày loài quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để chúng không bén mảng đến chỗ con người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, lá dứa hoặc cành đa nhỏ có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn quỷ nghe mà tránh. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa quỷ. Có nơi còn treo những chiếc đèn lồng, đèn xếp hoặc vài xấp tiền, vàng mã... Dù với dụng ý khác nhau nhưng những vật treo đều tượng trưng cho mong muốn bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người. Trồng cây nêu đã trở thành tục lệ Tết phổ biến của các dân tộc Việt Nam từ Kinh, Thái, Mường đến Ba Na, Gia Rai..
Chịu trách nhiệm nội dung: Nhật Qui
--------------------------------------------
Du Lịch Công Đoàn Giáo Dục Tp.HCM - Du Lịch Hữu Nghị
Hotline: 0968.217.783 - 0938.989.155
P.Điều Hành: 028.6265.0624 - 028.6265.3235
P.Kinh Doanh - Tiếp Thị & HDV: 028.2240.5079
Email: dulich.congdoan@yahoo.com
Website: dulichcongdoangiaoductphcm.com